Lượt xem: 337

Sóc Trăng triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa sâu đầu đen hại dừa trong điều kiện nắng nóng kéo dài

Nhờ triển khai kịp thời và đồng bộ nhiều giải pháp, tình trạng sâu đầu đen tấn công và gây hại trên cây dừa tại tỉnh Sóc Trăng đã giảm đáng kể cả về diện tích và mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong điều kiện nắng nóng kéo dài như hiện nay, nguy cơ sâu đầu đen bùng phát trở lại là rất cao. Từ nguồn kinh phí được tỉnh hỗ trợ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng hiện vẫn đang triển khai các mô hình thử nghiệm, đồng thời thường xuyên theo dõi, đánh giá nhằm tìm ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực tế tại từng địa phương.

 


Mô hình phóng thích ong ký sinh nhằm giảm mật số sâu đầu đen gây hại vườn dừa 

 

    Cù Lao Dung là địa phương có diện tích trồng dừa khá lớn với  trên 2.700 ha. Tình trạng sâu đầu đen bắt đầu tấn công và gây hại xuất hiện trên địa bàn huyện từ  tháng 2 năm 2022 ở khu vực ấp Bình Du A, xã An Thạnh Nhì và lây lan nhanh sang các xã, thị trấn. Cây dừa thường được người dân địa phương trồng xen hoặc liền kề với ao nuôi tôm nên việc sử dụng thuốc hay hóa chất để phòng trừ là không khả thi. Vấn đề cắt tỉa tàu lá theo khuyến cáo cũng gặp khó khăn khi phần lớn diện tích được trồng từ rất lâu nên thân dừa phát triển khá cao. Xuất phát từ tình hình thực tế, sử dụng thiên địch để kiểm soát sâu đầu đen gây hại là một trong những biện pháp đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thực hiện thông qua việc tiến hành nhân nuôi và thực hiện mô hình phóng thích ong ký sinh, bọ đuôi kìm vàng để để phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Kết quả bước đầu cho thấy, mật độ sâu đầu đen gây hại tại phần diện tích thực nghiệm đã giảm đáng kể. Đồng chí Cao Thành Tỷ - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Cù Lao Dung cho biết: “Sau khi thực hiện mô hình này, khi mình theo dõi những tàu dừa đã từng bị sâu đầu đen tấn công và cả những tàu ở cây lân cận thì không còn xuất hiện nữa. Từ kết quả này cũng rất mong Chi cục tiếp tục hỗ trợ mô hình phóng thích ong ký sinh nhằm giảm mật số sâu đầu đen gây hại vườn dừa trên địa bàn huyện. Vì nếu sử dụng thuốc để phòng trừ sẽ ảnh hưởng lớn đến khu vực nuôi tôm của người dân”.

    Đối với vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công, hiệu suất quang hợp của cây sẽ không còn, khả năng lây lan trên các vườn dừa lân cận là rất cao. Nên một mô hình đơn giản hơn được ngành chuyên môn khuyến khích bà con ưu tiên áp dụng là sử dụng biện pháp thủ công để quản lý sâu đầu đen gây hại. Với biện pháp này, nông dân chỉ cần thực hiện cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét bị sâu gây hại trên cây dừa và cây ký chủ, tiến hành tiêu hủy bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại. Đồng thời tăng cường bón phân, phun thuốc sinh học để cây nhanh chóng phục hồi và phát triển trở lại. Nông dân Nguyễn Thanh Minh ở ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú cho biết thêm: “Mình thực hiện mô hình thủ công như cắt tỉa cũng rất đạt hiệu quả. Mình loại bỏ được mấy cành sâu rồi vừa xịt thuốc vừa bón phân nên quản lý tốt sâu hại, không còn bị tấn công nữa. Như vườn dừa của tôi hiện nay phát triển tốt lại rồi, dừa đã cho trái trở lại và bắt đầu thu hoạch được”.

    Tại Sóc Trăng, đối tượng dịch hại này xuất hiện lần đầu tiên tại ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú, vào đầu tháng 03/2021. Vào thời điểm tháng 3/2022, điều kiện thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các đối tượng sâu hại phát sinh và phát triển, do đó sâu đầu đen bắt đầu phát sinh thêm tại các khu vực lân cận là: Huyện Cù Lao Dung, Trần Đề, Mỹ Xuyên và thành phố Sóc Trăng với diện tích 56,2 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, qua kết quả điều tra và ghi nhận, diện tích nhiễm sâu đầu đen giảm chỉ còn 39,2 ha. Về lâu dài, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp mang tính căn cơ hơn nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự tấn công của sâu đầu đen theo quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Kỹ sư Ngô Vương Ngọc Bảo Trân - Phó trưởng Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin: “Hướng tới Chi cục sẽ xin nguồn kinh phí từ tỉnh để tiếp tục duy trì công tác nhân nuôi ong ký sinh, bọ đuôi kìm tại đơn vị để tiếp tục thực hiện thêm nhiều mô hình hỗ trợ phóng thích cho bà con ở những khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân nên thường xuyên cắt tỉa, thu gom những tàu dừa bị hại, hạn chế việc sử dụng các loại thuốc độc hại để giữ lại nguồn thiên địch ngoài tự nhiên, như vậy hiệu quả mang lại sẽ cao hơn”.

    Theo ngành chuyên môn, các biện pháp được khuyến cáo sẽ không phát huy được hiệu quả tối ưu trong việc ngăn chặn triệt để sự phát triển của sâu đầu đen nếu chỉ có một vài bà con áp dụng, bởi khả năng lây lan của sâu vào các vườn dừa xung quanh là rất cao nếu không có sự nhất quán trong giải pháp phòng trừ của các nhà vườn khác tại khu vực bị ảnh hưởng. Do đó, để tránh những tổn thất không mong muốn về hiệu quả kinh tế, đặc biệt là nhu cầu sinh kế lâu dài, nông dân cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, đảm bảo các biện pháp phòng ngừa được tiến hành kịp thời, đồng loạt để ngăn chặn dứt điểm sự tấn công của đối tượng dịch hại này.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 8331
  • Trong tuần: 79,038
  • Tất cả: 11,802,358